ĐHTV - Tối 14.09.2017, Khoa Ngoại ngữ tổ chức buổi trao tặng giấy khen cho thành viên thường trực của Câu lạc bộ tiếng Anh (ESC) và buổi sinh hoạt ESC đầu tiên trong năm học mới (2017-2018) tại sảnh Tòa Nhà B1, Khu I.

Mở đầu chương trình là phần giới thiệu, giao lưu giữa các tình nguyện viên Hoa Kỳ, Đài Loan, Hàn Quốc, các cựu sinh viên và sinh viên đang theo học tại Khoa.

Thạc sĩ Khâu Hoàng Anh – Phó trưởng Bộ môn tiếng Anh trao tặng giấy khen cho 32 thành viên có những đóng góp tích cực cho ESC trong Học kỳ II, năm học 2016 – 2017. Sau mỗi học kỳ, Khoa Ngoại ngữ đều trao tặng món quà tinh thần này để ghi nhận sự đóng góp và làm động lực cho các bạn sinh viên tiếp tục phát triển các hoạt động của ESC trong thời gian tới. 

Thầy Khâu Hoàng Anh nói: “Khoa rất trân trọng và ghi nhận sự đóng góp của các bạn sinh viên. Hi vọng rằng các bạn sẽ đem đến các hoạt động sáng tạo và thu hút hơn nữa trong năm học mới này. Đặc biệt, hôm nay dù trời mưa rất to, nhưng các Tình nguyện viên, sinh viên các Khóa vẫn đến tham dự và nhiệt tình tham gia hoạt động.”

Chủ đề của ESC đầu năm nay là “Learning Styles”. Hai giảng viên Hoa Kỳ, Cô Jessica Obi và Cô Shachi Watase chia sẻ thông tin hữu ích về phương pháp học của người Mỹ. Sinh viên rất hào hứng bày tỏ quan điểm và đặt những câu hỏi thú vị góp phần cho hoạt động trở nên sôi nổi.

Cô Shachi Watase nói: “Đây là lần đầu tiên tôi tham gia ESC tại Khoa Ngoại ngữ. Sinh viên chuyên ngữ rất năng động và nói tiếng Anh rất tốt. Tối nay, tôi rất vui khi được quen biết thêm nhiều người. Tôi nhất định sẽ đến ESC hàng tuần để cùng tham gia các hoạt động hữu ích này.”

Sinh viên La Văn Qui, DA14NNAB, nói: “Hôm nay em rất vinh dự khi nhận được giấy khen. Món quà vô giá này sẽ giúp em có thêm động lực để cùng các bạn đưa ra các hoạt động ý nghĩa hơn trong năm học mới. Đây là ngày đầu tiên nhóm em bắt đầu tổ chức ESC sau thời gian nghỉ hè, em rất xúc động khi giáo viên và các bạn vẫn đến tham dự dù trời mưa rất to. Em hứa sẽ cố gắng hết sức mình để không phụ lòng Thầy, Cô và các bạn.”

Buổi sinh hoạt khép lại với đoạn video hài hước về phương pháp học không những đem lại tiếng cười mà còn cung cấp cho người tham dự những cụm từ tiếng Anh hữu ích.

Sự háo hức và lòng nhiệt huyết của các thành viên thường trực ESC hứa hẹn đem đến môi trường rèn luyện tiếng Anh đầy niềm vui và mới mẻ trong năm học 2017-2018.

Tin, ảnh: Nhã Phương

Add a comment

Để học sinh viết và đọc sẽ tốt hơn dạy cấu trúc câu

Kết quả của các công trình nghiên cứu trong gần 100 năm qua chỉ ra rằng cách dạy ngữ pháp truyền thống – tập trung vào cấu trúc câu và từ loại chẳng những không hiệu quả mà còn làm giảm hứng thú của người học. Thực ra, học sinh vẫn cần phải học ngữ pháp nhưng phương pháp truyền thống này không phù hợp.

Kết quả này được công nhận vào các năm 1984, 2007 và 2012 thông qua việc tổng hợp trên 250 công trình nghiên cứu. Tất cả những nghiên cứu trên đều cho thấy việc dạy và học ngữ pháp theo lối truyền thống không mang lại hiệu quả mong muốn cho người học ở mọi lứa tuổi, từ tiểu học đến đại học. Ví dụ, một nhóm các nhà khoa học đã tìm hiểu sự khác biệt trong năng lực ngữ pháp tiếng Anh của ba nhóm học sinh thuộc khối lớp 9 đến 11. Trong đó, một nhóm được tập trung dạy các quy tắc về cấu trúc câu. Một nhóm được dạy ngữ pháp bằng phương pháp khác và nhóm còn lại không có giờ học ngữ pháp. Kết quả cho thấy không có sự khác biệt đáng kể giữa ba nhóm đối tượng. Đặc biệt, hai nhóm học sinh được có giờ học ngữ pháp lại tỏ ra chán học tiếng Anh hơn nhóm không có giờ học ngữ pháp.

Sẽ là sự lãng phí nếu chúng ta phớt lờ những kết quả nghiên cứu như trên. Phó giáo sư Michelle Navarre Cleary chia sẻ kinh nghiệm cá nhân rằng cô đã dạy rất nhiều học viên là những người bỏ học trước khi vào đại học. Cô nhận ra rằng những học viên này luôn luôn chăm chút  sửa lỗi ngữ pháp ngay từ khi họ đặt bút viết. Họ luôn giữ trong đầu những ý niệm về sự đúng sai kiểu như ‘Viết thế này có đúng không ngữ pháp không?’, ‘Chết rồi, nếu mình viết tắt bài viết của mình sẽ bị đánh rớt.’ Thật ra, chính việc chăm chăm lo viết cho đúng ngữ pháp đã hạn chế việc phát triển và trình bày ý tưởng của người viết. Điều đáng nói là từ học sinh các trường công lập thiếu thốn cơ sở vật chất đến các trường tư thục trang bị đầy đủ đều bị mắc kẹt trong quan điểm viết phải tập trung vào quy tắc ngữ pháp.

Chúng ta cần dạy học sinh sử dụng đúng ngữ pháp bằng cách để học sinh viết.

Những học sinh trên là nạn nhân của quan điểm điểm sai lầm rằng phải học ngữ pháp trước rồi mới học viết. Trong khi đó, cách tốt nhất để học ngữ pháp là thực hành viết. Phó giáo sư Michelle Navarre Cleary kể rằng lần đầu tiên cô chứng kiến cái giá phải trả của quan điểm dạy học sai lầm này khi cô dạy ở một trường Cao đẳng cộng đồng nơi cô dạy môn Viết trong 8 năm. Tại trường này, hơn 90% sinh viên không thể hoàn thành chương trình cử nhân 2 năm trong vòng 3 năm học. Nguyên nhân chính là do yêu cầu phát triển chương trình dạy các lớp Viết thông qua phương pháp dạy ngữ pháp truyền thống. Cứ như thế, giáo sư Michelle đã chứng kiến sự thất bại cứ lặp đi lặp trong lại trong suốt thời gian dạy ở đây. Trong chương trình đào tạo của Hệ thống 7 trường cao đẳng, 80% sinh viên được xếp vào học các lớp ngữ pháp như trên trong thời gian một năm trước khi họ được yêu cầu viết dài hơn một đoạn văn. Trên toàn quốc, hơn 50% sinh viên các trường đại học và cao đẳng của các lớp như thế bỏ cuộc trước khi hoàn thành khóa học. Nói cách khác, họ bỏ cuộc trước khi được chính thức trở thành sinh viên đại học.

May mắn thay, chúng ta có một số giải pháp cho vấn đề trên. Giải pháp tốt nhất là dạy ngữ pháp cho học sinh theo cách chúng ta dạy một đứa trẻ tập chạy xe đạp. Giống như khi ta để đứa bé lên xe và cho chúng chạy, ta có thể dạy học sinh viết đúng ngữ pháp bằng cách tạo cơ hội cho chúng viết. Một khi những ý tưởng được phát thảo ra trên giấy, học sinh sẽ sẵn sàng tiếp thu hướng dẫn của thầy cô về cách viết sao chúng đúng ngữ pháp. Thông qua quá trình này, thầy và trò cùng trao đổi ý tưởng của nhau. Như ta biết, khi chúng ta để học sinh ứng dụng những quy tắc ngữ pháp trực tiếp vào bài viết, học sinh sẽ nắm được những gì chúng được dạy thông qua quá trình điều chỉnh, giải quyết các khó khăn mắc phải liên quan đến nội dung bài học. Ví dụ, người dạy có thể cho học sinh vừa học vừa chơi theo phương pháp đặt câu kiểu ‘Legos’. Bắt đầu từ những câu đơn giản rồi kết hợp lại tạo ra các câu phức tạp hơn để nắm nội dung bài học. Quan trọng hơn hết, người dạy không nên đặt nặng vấn đề phải dành nhiều thời gian để dạy cấu trúc ngữ pháp như một giờ học chính thức.

Kết quả nghiên cứu của Marica Hurlow cho thấy khi học sinh bớt sợ sai trong lúc viết, lỗi ngữ pháp cũng sẽ ít đi trong bài viết của họ. Thường người học ít nhận ra rằng cách học ngữ pháp mà chỉ sợ sai trong lúc viết là một phương pháp sai lầm. Đa phần, học sinh trong lớp học của giáo sư Michelle tâm sự rằng họ thấy dường như mình chưa bao giờ thực sự học ngữ pháp và họ nghĩ rằng đều đó làm họ sợ viết. Giáo sư Michelle nói cô từng phỏng vấn một nhân viên cao cấp. Mỗi khi phải viết báo cáo, vị này thường giam mình trong phòng và nhờ đứa con trai viết giùm. Cô cũng từng nghe phụ huynh kể về việc làm bài viết giùm con họ vì bọn trẻ quá sợ làm bài tập viết. Thậm chí giáo sư Michelle còn gặp trường hợp có nhiều người bỏ mất cơ hội việc làm chỉ vì họ được yêu cầu phải viết.

Phương pháp dạy ngữ pháp thông qua dạy viết đã được chứng minh tính hiệu quả ở những trường học thử áp dụng cách dạy này thay cho cách dạy truyền thống - chỉ dạy ngữ pháp. Nhờ phương pháp này mà sinh viên của các trường trên được chấp nhận vào đại học sớm hơn kế hoạch đào tạo ban đầu. Đơn cử như một chương trình đào tạo tại bang Arizona. Thoạt đầu, học sinh có kỹ năng viết luận chưa đạt yêu cầu so với cấp độ đại học. Nhưng sau đó những học sinh này sau đó được dạy viết luận và hơn 88 phần trăm số họ đạt kỹ năng viết tương đương với trình độ của sinh viên năm nhất đại học và cao hơn so trình độ đầu vào đại học.

Tại trường Cao đẳng cộng đồng Baltimore, một chương trình dạy sinh viên luyện viết ngoài giờ lên lớp bị đã giúp họ rút ngắn thời gian để thi đậu vào các lớp viết dành cho sinh viên năm nhất. Hiện tại có hơn 60 trường cao đẳng và đại học đang thí điểm dạy theo phương pháp này.

Vào năm 1984, George Hillocks, một giáo sư kỳ cựu trong lĩnh vực giáo dục Anh ngữ của Đại học Chicago công bố kế quả nghiên cứu về phương pháp dạy viết. Ông kết luận rằng:

Đối với tất cả những người làm giáo dục từ Ban giám hiệu nhà trường đến các nhà quản lí và giáo viên, những người đã nhân danh dạy Viết để áp đặt lối truyền đạt ngữ pháp theo kiểu truyền thống từ các trường phái nghiên cứu về ngữ pháp trong suốt một thời gian dài đã mang đến những tổn thất lớn cho người học. Sự sai lầm này không thể chấp nhận được đối với những ai có tâm huyết dành cho một phương pháp dạy Viết thực sự hiệu quả.”

Nếu 30 năm sau nữa, bạn và con cái bạn vẫn sẽ phải học ngữ pháp tách biệt với thực hành viết, thì đó là lúc chúng ta phải tìm một phương pháp dạy khoa học hơn thay vì thấy buồn cười về phương pháp dạy và học sai lầm của mình.

Dịch: Huỳnh Ngọc Tài, Khoa Ngoại Ngữ - Đại học Trà Vinh

Nguồn: Michelle Navarre Cleary. "The Wrong Way to Teach Grammar" The Atlantic (2014)

Add a comment

KNN- Sáng ngày 24.8.17 Khoa Ngoại ngữ tiếp nhận 1.405 quyển sách ngoại ngữ do mạng lưới Giáo dục Vietnam - Canada tỉnh Trà Vinh phối hợp với Fondation de la Cheneliere trao tặng tại thư viện Khoa.

Đây là lần tặng sách thứ hai trong năm 2017 của Hiệp hội dành cho Đại học Trà Vinh. Khoa Ngoại ngữ đã chọn các sách Anh và Hoa ngữ của các nhà xuất bản hàng đầu thế giới như Cambridge, MacMillan hay Pearson. Ngoài ra, còn có hàng trăm đầu sách hỗ trợ sinh viên tự học nghiên cứu như Active Listening and self-study, My world, tất cả đều được trang bị thêm đĩa CD.

Nguồn sách được trao thông qua GS.TS. Võ Văn Trương, chủ tịch Hội Hữu nghị. Phòng Hợp tác Quốc tế của Nhà trường đã phối hợp với Khoa để chọn và tiếp nhận.

Tất cả sách được lưu trữ tại thư viện Khoa Ngoại ngữ, phòng B11.209. Thư viện mở cửa từ thứ 2 đến thứ 6, sinh viên có thể đọc sách tại thư viện hoặc đăng ký mượn về.

 

Tin: Hiếu Thảo

Add a comment

ĐHTV- Sáng ngày 26.07.17, hơn 70 sinh viên ngành Ngôn ngữ Anh và giảng viên đang công tác tại trường Đại học Trà Vinh nhận chứng chỉ ngoại ngữ do Khoa Ngoại ngữ - ĐHTV cấp tại hội trường B6, khu I.

Các khóa học miễn phí này do Khoa Ngoại ngữ tổ chức ở mỗi học kỳ nhằm tạo điều kiện cho giảng viên, sinh viên học thêm một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Anh cũng như mở rộng kiến thức về văn hóa của các nước Pháp, Bỉ, Hàn, Đài Loan. Tất cả các khóa học đều do giảng viên bản ngữ trực tiếp giảng dạy trong 3-4 tháng. Học viên phải có khả năng sử dụng ngôn ngữ ở trình độ sơ cấp sau khi kết thúc khóa học để được cấp chứng chỉ.

Đến dự buổi trao giấy chứng nhận có TS. Nguyễn Thị Phương Nam, Trưởng khoa Ngoại ngữ, các giảng viên đứng lớp và giảng viên khoa Ngoại ngữ. TS. Nguyễn Thị Phương Nam nói: “Cô trân trọng sự đóng góp của quý thầy, cô tình nguyện viên, đặc biệt là hai bạn đến từ trường Đại học Inha - Hàn Quốc đã nhiệt tình giảng dạy và giới thiệu văn hoá đến sinh viên khoa Ngoại ngữ trường Đại học Trà Vinh.”

Cô Phan Hoàng Minh, chuyên viên phòng Tạp chí khoa học, tham gia khóa tiếng Pháp nói: “Đây là cơ hội cho cả sinh viên và giảng viên không chỉ biết thêm một ngoại ngữ mà còn hỗ trợ cho việc học cao hơn sau này.”

Một trong những sinh viên tham gia khóa học tiếng Hàn, bạn Trần Thị Mỹ Hoàng nói: “Em rất vui vì ngoài học tiếng Anh, Khoa Ngoại ngữ còn tạo cơ hội cho sinh viên tiếp cận nhiều ngôn ngữ khác nhau, tăng cơ hội việc làm sau khi tốt nghiệp.”

Tin: Hiếu Thảo, Mộng Ngọc

Add a comment

TUYỂN SINH ĐH - CĐ 2023

SV SFL THỜI KỲ HỘI NHẬP

THÔNG TIN TUYỂN SINH

THÔNG TIN TUYỂN SINH

TUYỂN SINH SAU ĐẠI HỌC

BOOK OF ABSTRACTS

Đăng ký nhận tin

Điền thông tin email để nhận tin và sự kiện

LIÊN KẾT VỚI CHÚNG TÔI

Ngôn ngữ

Số lượt truy cập

0003129897



Your IP:3.145.191.214
Gọi 0918702817
Chat Zalo:0918702817
Facebook Messenger