Nằm trong chuỗi các hoạt động phục vụ công tác tư vấn tuyển sinh năm học 2019-2020, từ ngày 25.2.2019 đến ngày 10.3.2019, Khoa Ngoại ngữ - trường Đại học Trà Vinh tổ chức buổi trao đổi học thuật và ký kết ghi nhớ với ba trường Trung học Phổ thông (THPT) tại tỉnh Trà Vinh.

Buổi gặp mặt diễn ra trên tinh thần hợp tác, trao đổi kinh nghiệm giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm gắn kết cộng đồng học thuật giữa các giáo viên dạy tiếng Anh trong khu vực tỉnh Trà Vinh. Trong năm học này, Khoa Ngoại ngữ đã ký kết ghi nhớ và kết nối học thuật với trường THPT Vũ Đình Liệu (huyện Châu Thành), trường THPT Nguyễn Đáng (huyện Càng Long) và trường THPT Cầu Kè (huyện Cầu Kè).

Tại buổi gặp mặt, Ban Giám hiệu của các trường THPT bày tỏ nỗi trăn trở về tình hình dạy và học tiếng Anh tại trường cũng như năng lực tiếng Anh của học sinh, đặc biệt là học sinh lớp 12, chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT. Thầy Hứa Thanh Vân, Hiệu trưởng trường THPT Cầu Kè nói: “Hầu hết học sinh không có nhiều vốn từ vựng tiếng Anh, gây khó khăn trong việc phát triển các kỹ năng ngôn ngữ nghe, nói, đọc, viết”.

Thầy Bùi Văn Phỉ, Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Đáng nói: “Sách giáo khoa được biên soạn theo hướng giúp học sinh phát triển đầy đủ bốn kỹ năng ngôn ngữ. Tuy nhiên, đề thi tốt nghiệp THPT dưới hình thức trắc nghiệm, tập trung vào đánh giá kỹ năng đọc hiểu và kiến thức ngôn ngữ như từ vựng, ngữ pháp. Điều này gây khó khăn cho nhà trường và giáo viên trong việc điều phối thời lượng giảng dạy để đảm bảo truyền tải hết nội dung kiến thức trong sách giáo khoa mà vẫn ôn thi tốt nghiệp cho học sinh hiệu quả.”

Cô Nguyễn Thị Thúy Liễu, Hiệu trưởng trường THPT Vũ Đình Liệu nói: “Phần lớn học sinh của trường là người dân tộc thiểu số nên các em ngại nói tiếng Anh vì sợ phát âm không chuẩn. Ngoài ra, học sinh cũng gặp khó khăn về kỹ năng đọc hiểu và suy luận, phần nội dung chiếm khoảng 1/3 đề thi tốt nghiệp THPT.”

Bên cạnh đó, hầu hết học sinh ở các trường THPT chưa có điều kiện được luyện nghe tiếng Anh hiệu quả do cơ sở vật chất ở các trường còn nhiều hạn chế. Một số trường có trang bị phòng máy tính với hệ thống âm thanh phục vụ cho học sinh thực hành kỹ năng nghe. Tuy nhiên hiện tại hầu hết máy tính đã bị hỏng và chưa được cung cấp mới.

Lắng nghe những chia sẻ của Ban Giám hiệu và Thầy Cô các trường, cô Nguyễn Thị Phương Nam - trưởng Khoa Ngoại ngữ bày tỏ mong muốn gửi tặng các trường bộ sách về phát triển từ vựng các chủ đề, cách phát âm, ngữ pháp và các bài đọc có chất liệu ngôn ngữ tương thích đề thi tốt nghiệp THPT. Bên cạnh hỗ trợ tài liệu giảng dạy, trong thời gian sắp tới, Khoa Ngoại ngữ sẽ mời các giáo viên giảng dạy môn tiếng Anh tại các trường THPT tham gia các khóa tập huấn ngắn hạn về phương pháp giảng dạy với các chuyên gia nước ngoài. Ngoài ra, Khoa Ngoại ngữ sẽ tổ chức buổi giao lưu với các hoạt động vui chơi bằng tiếng Anh giữa học sinh các trường THPT và các giảng viên người nước ngoài công tác tại Khoa. Thông qua buổi giao lưu, Khoa hi vọng sẽ giúp tạo động lực, khơi dậy niềm yêu thích và ý chí học tập tiếng Anh ở học sinh.

Buổi gặp mặt trao đổi và bản ký kết ghi nhớ là tiền đề khởi động cho những sinh hoạt học thuật trong tương lai. Từ đó, Khoa Ngoại ngữ và các trường THPT có sự kết nối, hỗ trợ nhau trong giảng dạy và nghiên cứu khoa học nhằm mục tiêu nâng cao chất lượng tiếng Anh của học sinh và sinh viên trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và cả nước.

Cô Nguyễn Thị Phương Nam ký kết bản ghi nhớ với trường THPT Nguyễn Đáng 

Cô Nguyễn Thị Phương Nam tặng quà lưu niệm cho trường THPT Nguyễn Đáng

Đoàn công tác Khoa Ngoại ngữ chụp hình lưu niệm cùng Ban Giám hiệu và giáo viên trường THPT Nguyễn Đáng

Đoàn công tác Khoa Ngoại ngữ chụp hình lưu niệm cùng Ban Giám hiệu và giáo viên trường THPT Vũ Đình Liệu

Đoàn công tác Khoa Ngoại ngữ chụp hình lưu niệm cùng Ban Giám hiệu và giáo viên trường THPT Cầu Kè

Tin, ảnh: Mộng Ngọc